Nhà đất là mặt hàng có giá trị lớn, thời gian sử dụng lâu dài nên những lỗi không ưng ý thường khiến khách hàng vừa không hài lòng vừa tốn công sức, tiền bạc và thời gian để sửa chữa. Do đó, nếu là người lần đầu mua nhà, kinh nghiệm thực tế cho thấy bạn nên tuần tự thực hiện theo những bước sau đây để có thể lựa chọn được căn nhà như ý.
Cần lựa chọn kĩ để tránh phiền phức khi về ở
Bước 1. Chuẩn bị ngân sách tối đa
Bạn cần thống kê danh sách toàn bộ các khoản dự trữ đang có để lên tổng giá trị dự kiến số tiền dành mua nhà. Trong trường hợp cần vay mượn hoặc huy động từ các nguồn khác thì việc cần thiết là phải làm việc cụ thể về thời gian vay, lãi suất và kế hoạch trả nợ. Sau khi chắc chắn có được tổng số tiền dự kiến mua nhà, Cần nhớ là thu nhập có thể tăng sau mỗi năm làm việc nếu bạn đang còn trẻ. Thông thường nên xem các căn nhà có mức giá cao hơn tối đa 10% so với ngân sách dự kiến.
Bước 2. Khoanh vùng mua nhà
Để tiết kiệm thời gian và công sức, bạn cần khoanh vùng mua nhà thật cụ thể, chi tiết.
Loại hình: nhà thổ cư, căn hộ chung cư, tập thể cũ, nhà liền kề, biệt thự hay nhà vườn ngoại ô… Cần quyết định chính xác loại hình nhà đất muốn mua để tránh dàn trải, tốn thời gian trong quá trình xem nhà.
Khu vực: căn cứ vào nhu cầu khoanh vùng rõ khu vực cần mua tại các quận, huyện… Thông thường, việc xác định khu vực mua nhà tùy vào vị trí cơ quan, trường học của cả gia đình và giá nhà đất chung của từng khu vực.
Giá tiền: căn cứ vào ngân sách cụ thể, xác định mức giá tối đa có thể mua và tiến hành xem xét các căn nhà có mức giá tương đương hoặc cao hơn tối đa 10%.
Phong thủy: nếu là người có yêu cầu về phong thủy, bạn nên xác định trước các hướng nhà và các yêu cầu khác phù hợp để làm rõ với môi giới nhà đất hoặc chủ nhà trước khi quyết định xem nhà nhằm tiết kiệm thời gian cho hai bên.
Mua nhà là chuyện quan trọng với tất cả mọi người
Bước 3. Tìm kiếm thông tin
Kinh nghiệm cho thấy nên thông báo nhu cầu tìm nhà cho bạn bè, người quen, đồng nghiệp vì đây là một kênh thông tin rộng rãi, đảm bảo và thường miễn phí. Ngoài ra bạn có thể tự đăng tải nhu cầu tìm nhà lên trang cá nhân hoặc một số diễn đàn xã hội uy tín. Từ đây bạn cũng có thể có rất nhiều thông tin để xem xét.
Nhưng kênh thông tin quan trọng nhất hiện nay đó là môi giới thông qua các trang tin bất động sản. Rất nhiều khách hàng thiếu thiện cảm với môi giới bất động sản, một phần là do sợ bị làm phiền, bị gài giá… Thực tế các môi giới bất động sản chính là những người nắm rõ thị trường, giá cả và có nguồn hàng dồi dào nhất. Có một thực tế là, các chủ nhà luôn định giá căn nhà của mình cao hơn mặt bằng giá chung, còn người mua thì luôn muốn mua với giá rẻ nhất. Rất nhiều trường hợp phải nhờ sự tư vấn của môi giới mà chủ nhà và khách hàng có thể cân bằng giá cả dẫn tới đàm phán thành công.
Bạn có thể làm việc với một số môi giới và chọn ra một vài người có tính chuyên nghiệp, đáng tin cậy. Sau đó nói rõ các yêu cầu về căn nhà cần mua, càng chi tiết càng tốt và đặt hàng tìm kiếm. Các môi giới bất động sản luôn có sẵn mạng lưới thông tin và có sự phối hợp nhịp nhàng, giúp bạn nhanh chóng có được nhiều thông tin sát với nhu cầu.
Bước 4. Xem nhà mẫu, Đánh giá, thương lượng và ra quyết định
Khi đã có được thông tin căn nhà phù hợp với nhu cầu, bạn cần đến xem và gặp gỡ chủ nhà trong thời gian sớm nhất. Với nội thất bên trong bạn chỉ cần xem kỹ một lần để đánh giá. Nhưng không gian bên ngoài và khu vực sống xung quanh cần phải được xem xét nhiều lần vào các khoảng thời gian trong ngày: sáng, chiều, tối và trong các điều kiện thời tiết khác nhau, lưu ý đặc biệt khả năng thoát nước khi trời mưa, khả năng hấp nhiệt và khả năng bốc mùi khi trời nắng nóng. Ngoài ra bạn cần tìm hiểu chi tiết các vấn đề liên quan xung quanh như: phong thủy, quy hoạch chung của khu vực, an ninh trật tự, tiếng ồn, hàng xóm, điện nước, chợ búa, trường học… và lịch sử của căn nhà cũng như chủ nhà. Tất cả các vấn đề này có vẻ khá dài dòng nhưng rất cần thiết vì đây là các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của bạn nếu bạn quyết định chọn căn nhà đó để sinh sống. Thực tế chỉ cần bỏ vài giờ đồng hồ để tham quan xung quanh cũng như trò chuyện cùng các cư dân ở đó bạn có thể nắm được toàn bộ thông tin.
Pháp lý cũng là việc cần được quan tâm đúng mức
Sau khi xác định được toàn bộ thông tin và chắc chắn rằng căn nhà phù hợp với bạn, hãy tiến hành đàm phán và thương lượng với chủ nhà. Một nguyên tắc cần nhớ là: chủ nhà thường quý trọng và đánh giá cao căn nhà của mình nên sẽ mất thiện cảm nếu bạn chê bai căn nhà với mục đích giảm giá. Đàm phán nên tiến hành trực tiếp giữa hai bên khách và chủ nhà, môi giới đứng vai trò tư vấn. Căn cứ đàm phán dựa trên mức giá chung của khu vực và những đặc điểm riêng của ngôi nhà.
Sau khi đàm phán thành công, nên lựa chọn một văn phòng công chứng uy tín để thực hiện các hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán và các thủ tục pháp lý khác nhanh chóng, đảm bảo. Việc chuyển tiền nên thực hiện qua hệ thống ngân hàng để có các giấy tờ chứng minh trong trường hợp hợp đồng không được thực hiện vì lý do nào đó.
Chúc bạn sớm tìm được tổ ấm ưng ý!